Bát đoạn cẩm

Đăng ngày 17/12/2020 lúc: 08:53

Bát đoạn cẩm (Baduanjin qigon) là môn khí công đạo gia với 8 thức tập luyện mô phỏng 8 giai đoạn làm gấm thời sưa. Môn khi công này khi tập luyện có tác dụng thông khí cột sông, đả thông bát mạch, tái cấu trúc CỘT SỐNG cho những người bị bệnh về cột sống như: Đau cột sống, thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm, đau cổ vai gáy, vẹo lệch cột sống,…v…v..! Đây là môn khí công rất tốt cho sức khỏe bởi vì cột sống khỏe thì mọi cơ quan cũng như nội tạng đều khỏe mạnh.

Nguồn gốc của Bát Đoạn Cẩm

Bát Đoạn Cẩm là bài tập ngoại đan khí công (external elixir) đã có khoảng 1000 năm tuổi. Toàn bộ bài tập bao gồm 8 thức. Theo một số giả thuyết được lưu truyền đến ngày nay, Bát Đoạn Cẩm được sáng tạo bởi Nhạc Phi, một vị đại nguyên soái, tướng quân nổi tiếng thời Nam Tống (1127-1279) có công đánh dẹp giặc Kim. Một giả thuyết khác thì cho rằng đây là bí kíp nằm trong hệ thống dưỡng sinh của Đạo Gia (môn phái rất nổi tiếng về luyện đan & dưỡng sinh, nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ). Lại có giả thuyết cho rằng, nguồn gốc của 8 thức này xuất phát từ Phái Thiếu Lâm tại Tung Sơn (Hà Nam) do Đạt Ma Tổ Sư sáng tác và là một trong những bí kíp được cất giấu trong Tàng Kinh Các (trong chùa Thiếu Lâm Tự) trước khi nó bị thiêu rụi vào năm 1928.

Trải qua bao thế kỷ, Bát Đoạn Cẩm được lưu truyền trong nhiều hệ phái khác nhau. Mỗi môn phái đều có những chỉnh sửa nhất định để phù hợp với đặc thù luyện tập. Chính vì vậy, Bát đoạn cẩm đã được biến đổi khá nhiều. Nhưng nói chung hình thức tập luyện tuy có khác, phần nội dung cốt tủy, chính yêu và cốt lõi của sự luyện tập đều giống nhau và không có gì thay đổi.

Tác dụng của Bát Đoạn Cẩm

“Cẩm” có nghĩa là gấm, cái tên “Bát Đoạn Cẩm” ý chỉ nguyên lý của 8 giai đoạn làm gấm rất phổ biến thời sưa. Lại có ý kiến cho rằng đây là 8 đoạn khẩu quyết được viết trên 8 đoạn gấm quý, cho thấy người xưa rất coi trọng và ngưỡng mộ phương pháp này bởi những lợi ích mà nó mang lại.

Bát Đoạn Cẩm giúp đả thông kinh mạch, luyện gân cốt, khai thông khí huyết khắp mọi nơi trong cơ thể giúp cho người tập có được một thân thể cường tráng, tiêu trừ bệnh tật, và một tinh thần minh mẫn sáng suốt.  Cũng chính vì giá trị này mà 8 thức tập được mệnh danh là Bát Đoạn Cẩm có nghĩa là 8 đoạn gấm (8 giai đoạn làm gấm).

Trong võ thuật, Bát Đoạn Cẩm được dùng như bài tập luyện khí công, tạo nên sự hợp nhất giữa tâm & thân & hơi thở, đây là nền tảng luôn được đề cao trong võ thuật dùng để luyện sức khỏe hay áp dụng vào chiến đấu.

Ngoài ra, các động tác này như một cách luyện ngoại đan khí công, tức là vận khí tới các vùng cơ bắp bên ngoài để tăng cường sự vận động, sử dụng sức mạnh cơ bắp tốt hơn. Nó khác với nội đan khí công là dùng khí vận chuyển vào phủ tạng để tăng cường sự chuyển hóa bên trong.

Điều thiết yếu mà người tập cần nên nhớ: giá trị qúy báu của phương pháp tập luyện là sự thấu hiểu thông suốt những kỹ thuật vận hành khí huyết, luyện gân cốt hơn là chú trọng vào hình thức bề ngoài.  “Dụng thân tạo hình để luyện pháp” chứ không chấp trụ vào hình tướng bên ngoài. Thân pháp được tinh luyện nhẹ nhàng thì khí thông, khí thông thì thần sắc vững mạnh để đạt đến giai đoạn cuối cùng là “Tinh, Khí, Thần” hợp nhất, thân tâm tự tại.  Và kế đến cũng không kém phần quan trọng hơn nữa đó là sự cố gắng luyện công hằng ngày.  Công phu, công quả, công trình là 3 yếu tố dẫn đến sự thành tựu tốt đẹp trong quá trình luyện tập.

Tác dụng, mục đích và cách thức tập Luyện với mỗi thức

1.Lưỡng Thủ Kình Thiên Lý Tam Tiêu

(Dịch nghĩa: Hai tay chống trời điều hòa tam tiêu; nguyên văn: 雙手勍天理三焦; nguyên lý: Treo cột sống, kéo giãn cột sống)

  • Tam tiêu: Thân thể con người có Tam tiêu bao gồm thượng tiêu, trung tiêu và hạ tiêu.
  • Thương tiêu: từ huyệt Đản trung (Vị trí giữa 2 đầu vú) trở lên đến bách hội (Đỉnh đầu) thuộc về Thượng tiêu, ứng với trời là dương, chủ về phần khí, mắc bệnh phần nhiều là do phong, hỏa gây nên. Liên quan đến hệ tuần hoàn và hô hấp.
  • Trung tiêu: từ Đản trung trở xuống đến rốn (Thần khuyết) thuộc về Trung tiêu, là cửa ngõ giao nhau của âm dương là bán âm bán dương, mắc bệnh phần nhiều vì thấp gây nên. Liên quan đến hệ tiêu hóa.
  • Hạ tiêu: từ bụng dưới trở xuống đến chân thuộc về Hạ tiêu ứng với đất, là âm, chủ về phần huyết, mắc bệnh phần nhiều vì hàn gây nên”. Trích: Hải Thượng Lãn Ông Y tông tâm lĩnh – Lê Hữu Trác. Điều 31, sách Nạn kinh viết: “Thượng tiêu từ dưới lưỡi xuống đến cách mô ngang chỗ miệng trên của Vị, chủ nạp mà không chủ xuất, Trung Tiêu là ngang giữa trung quản của Vị, không cao không thấp, chủ việc ngấu nhừ thức ăn. Hạ tiêu ngang với miệng trên của bàng quang, chủ xuất mà không chủ nạp để truyền tống cặn bã”. Liên quan đến bài tiết.

Luyện thông tam tiêu giúp con người có được trí tuệ minh mẫn, sáng suốt, ăn ngon ngủ yên, một cơ thể cường tráng tiêu trừ các bệnh tật.

Hơn nữa, nhờ phương pháp kéo thẳng cả người lên trên và xuống dưới đồng thời (hai hướng ngược nhau) làm giãn tối đa cột sống, giải phóng áp lực đè lên cột sông và nội đĩa đệm, kéo giãn tất cả các cơ hai bên cột sông làm lớp cơ thư nhuận trở lại, mở rộng lỗ liên hợp bổ xung dinh dưỡng cho xương, vỏ bao xơ và hồi phục nước cho nhân nhầy, làm chậm lại hoặc đẩy lùi quá trình mất nước nội đĩa đệm. Việc kéo giãn cột sống qua động tác này còn làm dịch não tủy lưu chuyển thông suốt, phân bố đều trong nội tủy sống. Khi dịch não tủy lưu chuyển thông suốt và phân bố đều thì cung phản xạ bệnh lý dần dần được xóa bỏ. Bệnh sẽ nhẹ dần và khỏi hẳn. Với người không bị bệnh khi tập khí công sẽ duy trì các cung phản xạ sinh lý dẫn đến nâng cao sức đề kháng và bệnh tật không đến với họ. Ngoài ra còn phục hồi cột sống trở về đường thẳng sinh lý và đường cong sinh lý vốn có.

Khi cột sống ngay thẳng, lớp cơ thư nhuận cả trên cột sống và ngoại vi dẫn đến “Đốc mạch” được đả thông.

Động Tác:

  • Đứng thẳng người, tự nhiên, khoảng cách giữa hai chân bằng chiều rộng của đôi vai, hai tay thả lỏng hai bên hông.  Nhắm mắt, tâm bình thản, điều thần và điều tức.
  • Mở mắt nhìn phía trước, hít thở tự nhiên và nhẹ. Tập trung thần nơi ấn đường (giữa hai mắt hay còn được gọi là đan điền thần), trầm khí xuống đan điền (khí hải).  Hít nhẹ, cùng lúc hai bàn tay đan lại từ từ đưa lên ngang ngực, chuyển lưng bàn tay hướng phía trước, thở ra, tiếp tục đưa thẳng hai tay qua khỏi đầu, lòng bàn tay hướng lên cao, thẳng lưng, nhón gót chân (hít vào), tiếp tục đẩy hai tay như nâng chống vòm trời chừng độ mươi giây.  Sau đó thả hai gót chân xuống (thở ra), hai bàn tay vẫn đan nhau và giữ nguyên độ cao.
  • Hạ hai tay xuống trở về tư thế lúc ban đầu.
  • Lập lại thao tác nầy từ 6 đến 24 lần.

 

THỨC 01: LƯỠNG THỦ KÌNH THIÊN LÝ TAM TIÊU (TREO CỘT SỐNG)

MẠCH ĐỐC VÀ MẠCH NHÂM

2. Tả Hữu Khai Cung Tự Xạ Điêu

(Dịch nghĩa: Trái phải giương cung như bắn chim điêu; nguyên văn: 左右開弓似射鵰; Nguyên lý: Căng bốn góc)

 Luyện thần (ngắm bắn chim điêu – sáng mắt), tăng cường chức năng phổi (ngực căng ra khi bắn), gia tăng khí lực nơi tay (giương cung) và đới mạch (giúp khí thông hai bên thận).  Đồng thời cũng giúp cho đôi chân được khoẻ mạnh cứng cáp qua thế đứng trung bình tấn.

Nguyên lý cốt lõi, ví cơ thể như miếng gấm, tập luyện sao cho cơ thể căng ra 4 góc. Làm giãn tối đa cơ ngực lớn, ngực bé, cơ đen ta, cơ gấp cổ tay, cơ khép háng, cơ thẳng đùi, cơ mạc đùi, các nhóm cơ phía trước bụng và ngực, cơ trám bé, cơ trám lớn, cơ dưới gai, cơ tròn lớn, tròn bé. Việc kéo giãn các cơ này sẽ tác động đến các đốt sống từ T1 đến T12 giúp điều chỉnh và tái cấu trúc các đốt sống trở lại trạng thái cân bằng.

Các nhóm cơ trước ngực và bụng được kéo giãn tối đa, trở về thư nhuận. Chức năng hô hấp được tốt hơn.

Động Tác:

  • Bước chân trái qua bên trái lập tấn, trung bình tấn. Hai tay thả lỏng và nâng lên bắt chéo trước ngực, hai bàn tay chấp lại. Giữ thẳng lưng, xoay đầu qua trái, hít vào, tách hai tay ra, bàn tay phải khum các ngón lại, kéo sang phải và ngừng lại dưới ngực phải, cùng lúc đó thì tay trái duỗi thẳng ra phía trái ngang tầm vai, bàn tay hơi ghấp lại với ngón trỏ đưa ra, dựng đứng cổ tay. Dụng ý, tưởng như đang kéo căng dây cung nhắm bắn chim điêu ở tầm xa.
  • Sau đó thở ra, đưa tay phải về bên phải làm đối trọng và điều hòa, thu chân trái về song song bằng vai, hai tay ôm vòng trước bụng, thẳng lưng đầu gối trùng xuống (mã tấn).
  • Bước chân phải quan bên phải lập tấn, trung bình tấn. Hai tay ôm vòng trước bụng từ từ nâng lên bắt chéo trước ngực, hai bàn tay chập lại. Giữ lưng thẳng, xoay đầu qua phải, hít vào, tách hai tay ra, bàn tay trái khum lại như nắm lấy dây cung kéo về ngang ngực trái, tay phải duỗi thẳng ra bên phải ngang tầm vai như cầm thân cung, lập lại giống nhu trên và nhắm bắn chim điêu bên phải.
  • Dụng ý bất dụng lực để khí không bị bế tắc nơi tay.
  • Lập lại động tác trên từ 6 đến 12 lần.

THỨC 02: TẢ HỮU KHAI CUNG TỰ XẠ ĐIÊU (CĂNG 4 GÓC)

3. Điều Lý Tỳ Vị Đơn Cử Thủ

(Dịch nghĩa: Một tay đẩy lên điều hòa tỳ vị; nguyên văn:  調理脾胃單擧手; nguyên lý: căng chéo góc)

Làm gia tăng chức năng của Can (gan), giúp Tỳ Vị (dạ dày và lá lách) khí lưu thông. Giúp ăn ngon, ngủ được, và đại tiểu tiện thông suốt.

Ngoài ra, nhìn trên khía cạnh cột sống và cơ “Điều lý Tỳ Vị Đơn cử thủ” làm giãn tối đa cơ thang, cơ lưng rộng, cơ trám lớn, cơ trám bé, dưới gai, tròn lớn, tròn bé, tam đâu, cơ gấp cổ tay, cơ gian sườn, cơ răng trước, cơ răng sau dưới, cơ vuông thắt lưng, cơ sườn chậu thắt lưng bé, các cơ mông,…! Ngoài tác động kéo giãn các cơ, làm các nhóm cơ thư nhuận trở lại sinh lý bình thường. Việc các nhóm cơ trên được tác động còn nhằm điều chỉnh các đốt sống các đốt sống từ T1 đến S5 lần lượt sang hai bên phải trái đối lập nhau giúp chỉnh các đốt sông bị lệch, biến đổi về trạng thái sinh lý ban đầu (tái cấu trúc cột sống theo đường thẳng sinh lý).

Động Tác:

  • Đứng thẳng người, tự nhiên, khoảng cách giữa hai chân bằng chiều rộng của đôi vai, hai tay thả lỏng hai bên hông.
  • Chuyển hai tay ôm vòng trước bụng, lòng bàn tay trái hướng lên trên, từ từ nâng bàn tay trái lên ngang ngực. Lật bàn tay trái hướng lên trên, hít vào, từ từ đẩy tay trái lên qua đầu. Thở ra và từ từ đẩy thẳng tay lên (các ngón tay hướng qua phải). Cùng lúc với tay trái thì tay phải nhấn xuống với lòng bàn tay hướng xuống đất (các ngón tay hướng ra trước). Sau đó co chỏ trái xuống, kéo chỏ phải lên hít vào và lập lại các thao tác như trên.

Ghi chú:

  • Trong khi di chuyển hai tay nên chú ý lắng nghe sự vận chuyển của các cơ bắp tác động đến vùng Tỳ, Vị và Can. Không được gồng cứng hai tay.
  • Lập lại thế tập từ 6 đến 24 lần.

THỨC 04:  ĐIỀU LÝ TỲ VỊ ĐƠN CỬ THỦ (THẢ THẮT LƯNG)

MẠCH XUNG VÀ ĐỚI MẠCH

4. Ngũ Lao Thất Thương Vọng Hậu Tiền

(Dịch nghĩa: Nhìn trước ngó sau trừ các bệnh Lao Thương; nguyên văn: 五僗七傷望后瞧; Nguyên lý: Căng ngực, liếc nhìn phía sau)

 Thất thương: đại bão thương tỳ, đại nộ khí nghịch thương can, cường lực cử trọng cửu tọa thấp địa thương thận, hình hàn ẩm lãnh thương phế, hình lao ý tổn thương thần, phong vũ hàn thử thương hình, khủng cụ bất tiết thương chí.

(Ăn no quá, hại tạng Tỳ, giận quá thời khí nghịch lên, hại tạng Can, nâng nhiều vác nặng, ngồi lâu nơi ẩm thấp thương đến tạng Thận, thích ăn đồ sống lạnh hại đến tạng Phế, lao tâm khổ tứ hại đến Thần, mưa gió lạnh nóng hại đến hình dong, kinh sợ không thể tiết chế hại đến Chí.)

Ghi chú: “Tạng = tàng: ẩn chứa, cất trữ.

– Tâm tàng thần, Phế tàng phách, Can tàng hồn, Tỳ tàng ý và trí, Thận tàng tinh và khí).

Ngũ lao liên quan đến sự suy yếu của 5 cơ quan nội tạng trong cơ thể như: tâm, can, tỳ, phế, thận.

Thất thương: thương tổn gây ra bởi sự xáo trộn của tinh thần qua 7 cảm xúc: hỷ, nộ, ái, ố, bi, lạc, dục.

Theo Đông Y, con người có thể trở nên bệnh nếu như ngũ tạng bị suy yếu và tinh thần bị xáo trộn. Chẳng hạn như sự nóng giận có thể làm bế khí nơi gan và ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của gan. Nhưng không phải chỉ có các cơ quan nội tạng bị ảnh hưởng, một xáo trộn mạnh trong các cảm xúc cũng khiến cho khí bị tích tụ và dồn nén lên trên đầu. Khi ta xoay đầu qua hai bên thì các bắp thịt và các động mạch máu nơi cổ được thả lỏng, giúp cho khí lưu chuyển lên đầu và đồng thời cũng giúp tăng lưu lượng máu vào não bộ. “Giúp điều hòa chức năng vùng hành não, trong đó có các trung tâm kiểm soát hệ thần kinh thực vật như: giao cảm, phó giao cảm, và từ đó tăng chức năng các tạng phủ.”

Tập thế này thường xuyên sẽ giúp con người điều khí ở các cơ quan nội tạng và bộ đầu, điều dưỡng lại các tổn thương do các xúc cảm gây nên và giúp tiêu trừ các bệnh tật.

 Dưới góc nhìn của Y học hiện đại: Thế này tập thường xuyên sẽ làm giãn các cơ xung quanh cổ như: cơ ức đòn chũm, cơ gối đầu, cơ gối cổ, cơ bậc thang, cơ bán gai đâu, cơ bán gai cổ, cơ dai cổ, cơ gian gai, cơ thang, cơ chéo đầu trên và chéo đầu dưới, cơ dai đâu. cơ ngắn đầu, cơ trám bé, trám lớn.cơ nâng vai, ngực lớn, ngực bé. Ngoài việc tác động làm giãn cơ, thư nhuận lớp cơ trên còn tác động vào các đốt sống từ C1 đến T7. Những người có bệnh về cổ vai gáy cánh tay, đau đầu, tim mạch, hô hấp, dạ dày nên tấp nhiều động tác này.

Thông qua việc luyện tập cơ được giãn tối đa, khớp được linh hoạt.

Động Tác:

  • Đứng thẳng người, tự nhiên, khoảng cách giữa hai chân bằng chiều rộng của đôi vai, hai bàn chân song song, hai tay thả lỏng hai bên hông.
  • Hạ thấp đầu gối, hai tay ôm vòng trước bụng, lưng thẳng, mắt nhìn thẳng.
  • Bước rộng chân trái sang trái nửa bước, hai tay giang rộng và vặn xoắn về phía sau, quay đầu sang trái tối đa và nhìn ra phía sau, thở ra.
  • Quay đầu trở về phía trước, hít vào, thu chân trái về song song bằng vai, hạ thấp đầu gối, thẳng lưng, hai tay ôm vòng trước bụng dưới.
  • Quay đầu sang bên phải và nhìn ra sau, thở ra, bước chân phải nửa bước sang bên phải, hai tay giang rộng sang hai bên và vặn xoắn về phía sau.
  • Quay đầu trở về phía trước, hít vào, thu chân phải về song song bằng vai, hạ thấp đầu gối, thẳng lưng, hai tay ôm vòng trước bụng dưới.
  • Tập các động tác trên mỗi động tác từ 12 đến 24 lần.

THỨC 04: NGŨ LAO THẤT THƯƠNG VỌNG HẬU TIỀN (CĂNG NGỰC, LIẾC NHÌN SAU)

5. Dao Đầu Bài Vĩ Khu Tâm Hỏa

(Dịch nghĩa: Lắc đầu vẫy đuôi bỏ tính nóng nảy; nguyên văn: 揺頭排尾去心火 ; nguyên lý: Quay tròn cột sống)

Hỏa (trược khí) nơi trung đan điền sinh ra do thức ăn không tiêu, hít thở không khí không trong sạch hay thiếu ngủ. Nếu như xảy ra thường xuyên thì sinh ra chứng ợ nóng (heartburn) hay còn gọi là tâm hỏa (heartfire). Khi quá nhiều khí tích tụ và ứ động nơi đan điền hoặc tim, thì phương cách tốt nhất là chuyển hỏa khí nầy vào hai buồng phổi để được dung hòa và đào thải ra ngoài.

Theo thuyết ngũ hành thì hỏa khắc kimtuy nhiên kim có thể hấp thụ được sức nóng và kềm chế được hỏa. Phổi thuộc hành kim, tim thuộc hành hỏa nên có thể nói Phế Kim có thể làm dịu đi Tâm Hỏa. Và kết quả là tâm được thanh thản.

Khi hành giả giữ hai tay trên đầu gối với ngón cái hướng ra ngoài thì ngực được giãn ra, và khi hành giả chuyển thân người từ bên nầy sang bên kia thì tuần tự hai bên phổi được thả lỏng cho nên dễ thu hút hỏa khí và làm dịu đi từ từ.

Thế tập này cũng giúp gia tăng lượng máu lưu thông nơi chân giúp điều trị chứng bệnh tê và nhức mỏi nơi chân.

Ngoài ra giao đầu giúp xoay tròn, xoáy vặn cột sống làm kéo giãn các cơ quanh thắt lưng như: Cơ vuông thắt lưng, cơ sườn chậu thắt lưng, cơ nhiều chân, cơ răng sau dưới, cơ quay sườn, cơ treo sườn, cơ cực dài lưng, cơ dựng gai, cơ gian sườn. Việc tập luyện giúp cơ thư nhuận, tăng biên độ hoạt động của các đốt sông từ C1 đến S1, phục hồi đường cong sinh lý và đường thẳng sinh lỳ cho các đốt sống từ C1 đến S1, mở rộng lỗ liên hợp cho các đốt sống và bổ xung dinh dưỡng cho xương, đĩa đệm, cơ.

Động tác:

  • Bước chân trái qua bên trái, đứng trung bình tấn. Đặt hai tay trên đầu gối hoặc hông, 2 ngón tay cái hướng bên ngoài đùi. Đưa khí xuống lòng bàn chân, ý nghĩ đến huyệt Dũng tuyền. Hít vào, xoay người qua bên trái sau đó nghiêng thân người qua bên trái, tay trái nhấn mạnh xuống đùi, giữ cho đầu, xương sống và chân phải gần như thẳng hàng, thở ra. Giữ nguyên vị trí đó khoảng 3 giây.
  • Chuyển người qua bên phải và lập lại các động tác và hít thở như trên.
  • Xoay người qua hai bên trái phải, mỗi bên từ 6 đến 12 lần.

THỨC 05: DAO DẦU BÀI VĨ KHU TÂM HỎA (QUAY TRÒN CỘT SỐNG)

6. Lưỡng Thủ Phan Túc Cố Thận Eo

(Dịch nghĩa: Hai tay xoa chân, bền giữ Thận eo; nguyên văn: 两手攀足固肾腰; nguyên lý: Uốn lượn cột sống)

 Giúp vận khí tại Thận và đốc mạch, tăng cường tinh và giúp gân cốt được mềm mại, dẻo dai.

Khi cúi thân người xuống, hai tay nắm lấy đầu ngón chân (hoặc xuống thấp tuỳ theo thể chất của mỗi người) thì bắp thịt sau lưng bị căng làm gián đoạn sự vận chuyển của khí nơi vùng lưng, thận. Khi đứng thẳng lên thì khí được khai thông trở lại bình thường cũng giống như ống nước đang chảy bị gấp lại rồi được buông thẳng ra. Đây là phương pháp tốt nhất để kích thích (xoa bóp) thận và giúp gia tăng luồng khí chuyển vào thận, cũng như các bắp thịt lưng và xương sống.

Dưới góc nhìn vật lý khi cúi người xuống xoa dọc chân rồi vươn thẳng người lên làm cho cột sống uốn lượn, kéo giãn các cơ thẳng lưng, cơ mông, cơ tứ đầu đùi, cơ bọng chân, gân Asin. Trong quá trình tập luyện thức này sẽ giúp cột sống uốn lượn theo đường cong sinh lý, làm cột sống dẻo dai, linh động, phục hồi đường cong sinh lý của cột sống.

Động tác:

  • Đứng thẳng người, tự nhiên, hai tay thả lỏng, giữ khoảng cách hai chân bằng vai.
  • Nhấn nhẹ hai bàn tay xuống hai bên hông sau đó nâng hai tay lên trước ngực, hít vào, kế đến đưa hai tay lên qua khỏi đầu với lòng bàn tay hướng lên cao. Hướng hai lòng bàn tay ra trước mặt. Từ tư kéo hai bàn tay xuống vuốt mặt, vuốt ngực đến ức rồi vuốt vòng sang hai bên ra sau lưng. Cúi xuống từ từ, hai lòng bàn tay vuốt dọc mặt sau đùi đến mu bàn chân, các ngón chân. Ý nghĩ đến Mệnh môn và vùng thậnĐứng yên khoảng 3 giây sau đó từ từ đứng thẳng lên, vươn hai tay ra xa, hít nhẹ vào.
  • Lập lại động tác trên từ 6 đến 16 lần.

THỨC 06: LƯỠNG THỦ PHAN TÚC CỐ THẬN EO (UỐN LƯỢN CỘT SỐNG)

7. Toàn Quyền Nộ Mục Tăng Khí Lực

(Dịch nghĩa: Nắm tay thành quyền, mắt giận, tăng khí lực; nguyên văn: 攥拳怒目増氣力; nguyên lý: Vắt cột sống)

Giúp gia tăng thị lực (tập trung nhìn vào bàn tay nắm), kích thích gan. “Làm tăng khí lực do tay, chân và thân eo kết nối với nhau.”

Khi thần (spirit) mạnh thì đồng thời khí lực cũng gia tăng. Phương pháp này rất quan trọng vì nó khai thông được bế khí và dẫn khí ra ngoài da. Tập trung “ý” là điểm chính yếu cần phải ghi nhớ trong thế tập.

Khi tập thức này người tập sẽ siết các nhóm cơ hai bên cột sống theo hai hương đối nghịch nhau, giải các nhóm cơ hai bên cột sống, phục hồi hình thái xoay vặn của các đốt xương, bình phục sự ngay thẳng của gai sau theo đúng trạng thái sinh lý ban đầu. Độ cao của nắm tay đấm ra và co vào có tác dụng siết, phục hồi, điều chỉnh cụ thể từng đốt sống riêng biệt. Việc quyết định độ cao của bàn tay khi đấm ra phải có chuyên gia nghiên cứu về cột sông thăm khám, xác định và tư vấn cụ thể.

Thông qua tập luyện phục hồi sự ngay thẳng của đầu gai, ngay thẳng của đốt sống.

Động tác:

  • Bước chân phải (hoặc trái) qua bên phải (hoặc trái), đứng trung bình tấn. Hai tay nắm chặt lại để hai bên hông.
  • Mắt tập trung vào nắm tay, tay trái duỗi ra và từ từ nắm chặt lại, vận gân xoáy chặt quyền, thở ra. Tay phải vẫn giữ nguyên bên hông.
  • Sau đó xòe bàn tay, ngửa bàn tay hết cỡ, vặn bàn tay về ngón cái sau đó vặn bàn tay về ngón út (điều hòa), nắm chặt bàn tay trái, từ từ rút tay trái về bên hông trái, hít vô.
  • Tay phải duỗi ra và lập lại các thao tác trên.
  • Tập mỗi thế từ 6 đến 8 lần

Lưu ý:  khi đấm ra, mắt phải nhìn trông như giận dữ (nộ mục).

 THỨC 07: TOÀN QUYỀN NỘ MỤC TĂNG KHÍ LỰC (VẮT CỘT SỐNG)

MẠCH DƯƠNG KIỀU VÀ MẠCH ÂM KIỀU

8. Bối Hậu Thất Điên Bách Bệnh Tiêu

(Dịch nghĩa: Giẫm gót bảy lần trăm bệnh tiêu; nguyên văn: 背后七颠百病消; nguyên lý: nhồi cột sống)

 Vận khí trên toàn bộ kinh mạch bằng cách tác dụng lên toàn thân và cột sống. Các kinh mạch căng ra và thu vào như sợi dây thừng. Kiễng chân lên và hạ chân xuống kích thích 6 túc kinh, vươn cổ lên kích thích 6 thủ kinh.

Giúp tăng sinh lực, bền sức, giúp thân thể cường tráng và các bệnh tiêu tan.

Ngoài ra, thức nhồi cột sống là làm các đốt sống khin khít về trạng thái sinh lý vốn có của nó. Việc các đốt sống bị kéo giãn quá độ mà không được làm khít lại cung tạo ra các cung phản xạ hưng phấn quá độ, không có lợi cho sức khỏe.

VD: Nam, nếu các đốt sống từ T1 đến T4 bị giãn, thưa rão có thể gây bệnh xuất tinh sớm do không kiểm soát được cảm xúc, anh hưởng đến sinh lý nam giới! 

Động tác:

  • Đứng thẳng người, tự nhiên, hai tay thả lỏng, gót chân sát vào nhau, hai bàn chân xòe ra hợp nhau góc 90 độ (khóa chậu).
  • Nhón gót chân lên càng cao càng tốt, hít vào, giữ yên khoảng 3 giây, thả người xuống như rơi tự do, thở ra.
  • Kế đến để hai bàn tay úp ngang bên hông, ngón tay cái hướng trước mặt, vai hơi bật ra sau, co hai bàn tay sát nách. Nhón gót và hít vào hết cỡ, đồng thời đẩy hai bàn tay xuống hết cỡ. Giữ yên khoảng 3 giây, thả người xuống thật mạch như rơi tự do, thở ra.
  • Mỗi thế tập từ 12 – 24 lần.

THỨC 08: BỐI HẬU THẤT ĐIÊN BÁCH BỆNH TIÊU (NHỒI CỘT SỐNG)

MẠCH ÂM DUY VÀ MẠCH DƯƠNG DUY

Trong một buổi tập, chúng ta sẽ đi tuần tự theo từng thức cho tới khi hết 8 thức của bài tập. Khi mới làm quen, mỗi buổi chỉ cần tập một đoạn trong 8 đoạn cho tới khi thuần thục.

Sau đó, khi đã nắm rõ kỹ thuật của cả 8 đoạn, người tập sẽ ghép nối liên tục lại thành một bài hoàn chỉnh. Mỗi đoạn sẽ bao gồm số động tác, thời gian quy định, thời gian nghỉ giữa các đoạn cũng được cố định trong khoảng 1-3 phút.

Một lượt tập toàn bộ các động tác Bát Đoạn Cẩm thường diễn ra trong khoảng 20-30 phút

Tập bài khí công Bát đoạn cẩm giúp cơ thể thư giãn, hỗ trợ sự phục hồi cơ bắp, tăng tính linh hoạt và đồng bộ của cơ thể.

Bài tập này có thể kết hợp cùng với những bài tập như Dịch Cân Kinh, Tẩy Tủy Kinh để luyện cả trong lẫn ngoài.

Trên đây là sự trình bày nguyên lý, mục đích và tác dụng, cách thức tập luyện của bài khí công Bát đoạn cẩm dưới góc nhìn Y học cổ truyền,  Y học hiện đại, Tác động cột sống Việt Nam. Sự hiểu biết về khí công của Tác động cột sống – Lương Y Đỗ Văn Chiến còn nông cạn xin được lắng nghe ý kiến đóng góp và lượng thứ.

Lưu ý: Khi tập, nếu không tập thở được như sự hướng dẫn trong bài viết này thì các học viên, người tập nên để hơi thở bình thường “Vạn pháp quy tự nhiên pháp”

Tác động cột sống – Lương Y Đỗ Văn Chiến

P/s: Mời các bạn muốn tham khảo thêm kiến thức vê Tác động cột sống, Khí công có thể kích vào các đương link dưới đây.

HỌC TÁC ĐỘNG CỘT SỐNG

Tác động cột sống – Lương Y Đỗ Văn Chiến

Bệnh viện Cột Sống

Đỗ Văn Chiến

Bài viết liên quan

Tĩnh khí công-Bài 1

  Tập thở để tạo bầu trời con trong thân người (Khai sinh Hạ Đan...

Thai tức quyết

Thai Tức còn được gọi là «Tề Hô Hấp», «Đan điền hô hấp», nghĩa là...

Tam đan điền-ba trung tâm năng lượng quan trọng nhất của cơ thể con người

Theo Sinh học về năng lượng của Trung Quốc, loài người có 3 trung tâm...

Tẩy Tủy Kinh-pháp môn tập luyện nội công dưỡng sinh bí truyền của Phật môn

  “Tẩy tủy kinh” là một trong hai kinh điển võ học được lưu truyền...

Tập khí công phục hồi thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

  Bệnh viện cột sống – Thoát vị đĩa đệm cột sống L4/L5 là bệnh...

Huấn luyện tập Khí công Dịch Cân Kinh phục hồi bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Dịch Cân Kinh là môn khí công cao cấp được lưu truyền từ cổ xưa...

1 Các bình luận

Trả lời