Giáo trình Tác động cột sống Việt Nam-Phần V-NGUYÊN TẮC, THỦ THUẬT VÀ PHƯƠNG THỨC TRỊ BỆNH

Đăng ngày 14/12/2020 lúc: 18:43

PHẦN V

NGUYÊN TẮC, THỦ THUẬT

VÀ PHƯƠNG THỨC TRỊ BỆNH

 

A. NGUYÊN TẮC TRỊ BỆNH

I. NGUYÊN TẮC TẠO SÓNG CẢM GIÁC

Khái niệm và cơ sở

Phương pháp TĐCS lấy cảm giác đau tại trọng điểm để gây sự phản ứng của gân cơ co, chùng xen kẽ nhịp nhàng, thành lớp lớp sóng thích hợp nhất để giải tỏa ổ rối loạn khu trú trên hệ cột sống qua đó cũng đồng thời phục hồi sự cân bằng của cơ thể từ đó hình thành tên gọi Tạo sóng cảm giác.

Các phản ứng của cơ thể khi tác động đúng trọng điểm:

Khi tác động tạo cảm giác đau tại trọng điểm trên hệ cột sống để trị bệnh, bao giờ cơ thể người bệnh cũng có những phản ứng nhất định, chia thành phản ứng Âm tính và phản ứng Dương tính cụ thể như bảng sau:

Thể phản ứng

Biểu hiện phản ứng trên cơ thể người bệnh

Dương tính toàn thân Co giật toàn thân, gân cơ cứng lại, không tác động thì gân cơ chùng lại.
Dương tính cục bộ Co giật gân cơ từ vùng trọng điểm lan tỏa sang tới các khu vực nhất định, khi ngưng tác động thì gân cơ chùng lại (thích hợp với chức năng vận động).
Dương tính trên hệ cột sống Co lồi ở trên hệ cột sống, khi ngưng tác động thì gân cơ chùng lại, hệ cột sống trở lại bình thường (thích hợp với bệnh trên các đốt sống lõm).
Dương tính trên trọng điểm Cơ co máy động ở trọng điểm, khi ngưng tác động thì lớp cơ co ở trọng điểm mới ngừng máy động (thích hợp với các đốt sống lệch).
Âm tính trên hệ cột sống Co oằn cột sống, tại cột sống không có hiện tượng máy động, khi ngưng tác động thì sự phản ứng cũng ngưng lại.
Âm tính tại trọng điểm Co lõm tại trọng điểm, không có sự lan tỏa. Trường hợp này thích hợp với đốt sống lồi.

 

Chú ý: “Khi điều trị gặp phản ứng “Âm tính trên hệ cột sống” này là biểu hiện sự điều trị gần đến ngưỡng, gần giải toả hết ổ rối loạn. Ta cần nhanh chóng tác động tiếp để giải toả ổ bệnh, không được bỏ lỡ cơ hội.

Từ những cơ sở trên phương pháp TĐCS đã xây dựng các nguyên tắc, các phương thức, các tư thế và các thủ thuật để trị bệnh riêng.

II. NGUYÊN TẮC ĐỊNH LỰC THAO TÁC

Định lực là sự quy định sức mạnh của thầy thuốc được phép dồn vào đầu ngón Tay để thao tác trị bệnh, sức mạnh này từ nhẹ nhất đến mạnh nhất, quy định như sau:

– Lực của một bàn Tay:

Đặt nghiêng úp lòng bàn tay trên lưng người bệnh, dùng dận bàn tay làm điểm tỳ, lấy ngón giữa hoặc ngón cái tác động tại trọng điểm, tuỳ theo thể loại rối loạn mà dùng lực nhẹ nhất của một ngón tay cho đến lực tối đa của bàn tay. Áp dụng cho trọng điểm từ C1 đến C7 và vùng cụt.

– Lực của một ngón Tay:

Đặt nghiêng bàn tay trên lưng người bệnh, ngón tay út và ngón tay thứ tư co vào lòng bàn tay, dùng ngón chỏ và giữa thao tác tại trọng điểm. Tuỳ theo loại thể rối loạn mà dùng lực nhẹ nhất đến mạnh nhất của ngón tay. Áp dụng cho các trọng điểm từ D1 đến D7.

– Lực của cánh Tay co:

Co cánh tay thành góc thước thợ, hai cánh tay trên khép sát thân mình theo phương dây dọi, dùng ngón cái hoặc ngón giữa để thao tác tại trọng điểm. Tuỳ theo các loại, thể rối loạn mà dùng lực từ nhẹ nhất của một ngón tay đến lực mạnh nhất của cánh tay co. Áp dụng cho các trọng điểm từ D8 đến D12.

– Lc cánh Tay duỗi thẳng:

Duỗi thẳng cánh tay, dùng ngón tay cái hoặc dận bàn tay để thao tác tại trọng điểm. Tuỳ theo loại, thể rối loạn mà dùng lực từ lực nhẹ nhất của một ngón tay đến lực mạnh nhất của cả cánh tay. Áp dụng cho các trọng điểm từ L1 đến L5.

– Lực của toàn thân:

Duỗi thẳng cánh tay, dồn toàn bộ trọng lượng của thầy thuốc vào dận bàn tay để thao tác tại trọng điểm. Tuỳ theo loại và thể rối loạn mà dùng lực nhẹ bằng lực nhẹ của ngón tay đến lực mạnh nhất là lực của toàn thân thầy thuốc. Áp dụng cho các trọng điểm vùng hông từ S1 đến S5.

Các trường hợp ngoại lệ:

Loại mỏng, mềm ở thể ngoài tại bất cứ khu vực nào trên cột sống cũng chỉ áp dụng lực của một ngón tay thao tác nhẹ nhàng.

Loại xơ cứng bất cứ ở thể nào và khu trú ở khu vực nào trên cột sống cũng chỉ áp dụng lực bằng lực của cánh tay co.

Loại co cứng dày ở thể ngoài mà ngón tay không ấn tới đầu gai sống được, thì phải đắp cua đồng cho giãn cơ rồi mới dùng lực thao tác như đã nói ở trên.

III. NGUYÊN TẮC ĐỊNH HƯỚNG

Là nguyên tắc quy định hướng và chiều khi tác động trị bệnh.

Trục theo phương pháp TĐCS quan niệm là ống tuỷ. Trục này được căn cứ làm chỗ dựa để tiến hành các thủ thuật trị bệnh thích hợp, làm cơ sở để hướng mọi kích thích như gân cơ, đốt sống, nhiệt độ da và cảm giác trở lại cân bằng.

Các hiện tượng co cơ hay biến đổi hình thành của đốt sống, các rối loạn về nhiệt độ và cảm giác ở cột sống đều lấy trục làm đường đối xứng so sánh hai bên.

Để ứng dụng hướng và chiều tác động thích hợp cho các hình thành đốt sống biến đổi, phương pháp TĐCS đã quy định cụ thể như sau:

– Đốt sống lồi: Tác động thẳng từ ngoài vào trong.

– Đốt sống lồi phần trên khuyết phần dưới: Tác động theo hướng từ trên xuống. Ngược lại, nếu phần dưới lồi phần trên khuyết thì tác động theo hướng từ dưới lên.

– Phần trên lồi, dưới không khuyết, hoặc dưới lồi trên không khuyết đều tác động thẳng từ ngoài vào trong.

– Đốt sống lồi lệch một phần (Trên hoặc dưới) hoặc lồi lệch cả đốt: Tác động theo hướng chếch 450 từ ngoài vào trong, lực đẩy phía lồi sang phía khuyết.

– Đốt sống lệch (lệch trên, lệch dưới hoặc cả đôi): Tác động theo hướng ngang từ ngoài vào trục.

– Đốt sống lệch lõm (một phần hoặc cả đốt): Tác động theo hướng lực đưa ngang từ ngoài vào rồi đưa tiếp từ trong ra theo hướng cuộn tròn (thủ thuật Bỉ).

– Đốt sống lõm: Tác động song chỉnh bằng thủ thuật bỉ ở cả hai bên trong cùng một lúc, đưa lực từ hai bên hướng trục rồi lại tiếp tục đưa lực từ trục tiếp ra ngoài theo hướng cuộn tròn. Ngoài ra còn có thể tác động thẳng từ ngoài vào trong hơi chếch lên tại đốt sống lồi liền kề.

IV. NGUYÊN TÁC ĐỊNH LƯỢNG

Là nguyên tắc quy định về lượng tác động tính bằng thời gian dài hay ngắn.

Thời gian tác động tại trọng điểm có tính quyết định vì:

– Đáp ứng đúng với mức tiếp nhận của cơ thể người bệnh thì hiệu quả cao.

– Chưa đúng với mức tiếp nhận của cơ thể người bệnh thì hiệu quả thấp.

– Quá mức tiếp nhận, thì cơ thể có sự phản ứng ngược lại và kết quả điều tra ban đầu lại mất hết.

Thời gian thao tác:

Thời gian thao tác cho một lần điều trị không xuất phát từ sự áp đặt chủ quan của người chữa bệnh, mà phải căn cứ vào sự phản ứng của cơ thể người bệnh, để ứng dụng cho thích hợp.

Sự phản ứng đó biểu hiện bằng hiện tượng khô se của mặt da, chuyển sang dính ẩm tại trọng điểm mà ta có thể nhận biết ngay trên đầu ngón Tay đang thao tác. Phương pháp TĐCS định nghĩa mức độ này là Ngưỡng thao tác.

Trong khi tác động chữa bệnh phải tập trung chú ý theo dõi.

Khi trọng điểm còn se khô, là thời gian tác động chưa đúng yêu cầu, chưa đến ngưỡng. Nếu ngưng thao tác lúc này thì hiệu quả ít.

Khi trọng điểm đã ẩm ướt, là hiệu quả tác động đã cao nhất và đạt ngưỡng thao tác, đáp ứng đúng mức độ tiếp thu của cơ thể người bệnh, vì vậy cần ngưng ngay thao tác.

Khi mặt da tại trọng điểm đã chuyển sang ẩm ướt, mà vẫn tiếp tục thao tác là quá ngưỡng, quá mức tiếp nhận của cơ thể, tạo nên một phản xạ ngược lại, do bị kích thích quá mức nên kết quả ban đầu bị xoá hết. Việc điều trị lần đó trở nên vô hiệu. Ví dụ về điều trị bệnh huyết áp cao.

– Khi thao tác mà trọng điểm chưa ẩm ướt, huyết áp cũng có thể xuống. Nếu ngừng thao tác hiệu quả sẽ không cao và có tác dụng không lâu dài.

– Khi ngưng thao tác đúng lúc trọng điểm đã ẩm ướt là đúng mức tiếp nhận của người bệnh. Thao tác đã đến ngưỡng, huyết áp giảm xuống và hiệu quả điều trị kéo dài.

– Khi trọng điểm đã ẩm ướt mà vẫn thao tác tiếp thì huyết áp không những không xuống thêm nữa mà còn tăng trở lại trạng thái ban đầu và còn có thể tăng cao hơn.

Trong khi điều trị, thầy thuốc cần tập trung theo dõi cao độ về phản ứng của cơ thể người bệnh. Vì ngưỡng thao tác rất dễ bị nhầm lẫn. Chẳng hạn như trường hợp rối loạn quá lớn, thầy thuốc muốn tập trung khai thác để giải toả tức thời ổ rối loạn nên thường bị quá ngưỡng.

Khi gặp những trường hợp ổ rối loạn quá lớn này, thầy thuốc cần xác định rằng: mặc dù còn rối loạn nhưng khi trọng điểm đã ẩm ướt (đến ngưỡng) thì phải ngừng thao tác để tránh phản ứng ngược lại của cơ thể người bệnh.

Cơ thể có khả năng tự điều chỉnh để giải toả ổ bệnh và chỉ tiếp thu đến mức nhất định trong từng lần điều trị do đó ngưỡng thao tác này có thể rất khác nhau. Có lần cơ thể người bệnh tiếp nhận thao tác được 30 phút, nhưng có lần chỉ tiếp nhận 2 phút đã có thay đổi và đạt ngưỡng.

Thời gian của quá trình điều trị:

Đặc điểm và hình thái của trọng điểm bao giờ cũng biểu hiện trên lớp cơ đệm bị xơ, co, tạo nên sự dính cứng giữa các khe đốt, làm méo ống sống, chèn ép vào dây thần kinh gai sống (cần tránh hiểu lầm là sự dính cứng đĩa đệm giữa các thân đốt sống). Có trường hợp chỉ tác động điều trị một lần thì các đốt bị dính cứng đã chuyển động. Cũng có trường hợp phải điều trị nhiều lần các đốt sống dính cứng mới chuyển động.

Sự chuyển động của các đốt sống bị dính cứng là cơ sở để xác định kết thúc thời gian của quá trình điều trị.

Khi tác động bằng thủ thuật thuộc phương thức sóng mà đốt sống đã chuyển động thì phải ngừng điều trị vì đã đạt ngưỡng.

Nhưng khi tác động bằng thủ thuật đẩy thuộc phương thức nén mà đốt sống đã chuyển động thì phải tiếp tục áp dụng các thủ thuật thuộc phương thức sóng để tiếp tục điều trị cho đến khi đốt sống trở lại trạng thái bình thường thì mới hoàn thành quá trình điều trị.

Chú ý:

Khi điều trị mà các khe đốt của trọng điểm còn dính cứng là chưa giải toả được ổ bệnh, cần tiếp tục điều trị mặc dù triệu chứng cơ năng đã hết. Lúc này nếu ngừng điều trị thì bệnh có khả năng tái phát.

Khi các khe đốt của trọng điểm bị dính cứng đã chuyển động bình thường mặc dầu các triệu chứng cơ năng chưa hết thì cũng phải ngừng điều trị. Vì một thời gian sau, các triệu chứng cơ năng cũng dần dần tan biến do khả năng tự điều chỉnh của cơ thể.

Khi các khe đốt của trọng điểm đã chuyển động, đốt sống đã trở lại bình thường mà vẫn tiếp tục thao tác điều trị thì sự dính cứng sẽ trở lại. Các triệu chứng cơ năng có lúc lại xuất hiện, bệnh dây dưa không dứt hẳn.

Tóm lại: Khi thao tác đã tách được sự dính cứng của đốt sống cũng là ngưỡng để kết thúc quá trình điều trị. Cần tránh sự nhầm lẫn trong khi trị bệnh thì hiệu quả mới đạt mức cao.

V. NGUYÊN TẮC ĐIỂU NHIỆT

Phương pháp TĐCS quy định sự biến đổi nhiệt độ da trên cơ thể người bệnh là cơ sở để chẩn bệnh, trị bệnh và phòng bệnh. Do đó, việc điều hoà nhiệt độ da trên cơ thể người bệnh để trị bệnh, được nêu thành một nguyên tắc trong thăm dò, tiên lượng và theo dõi sự tiến triển của người bệnh.

Đặc điểm: Các vùng trên cơ thể người bệnh, có nhiệt độ da thay đổi quá cao hoặc quá thấp, đều biến chuyển phạm vi 20 giây sau khi thầy thuốc áp dụng thủ thuật thăm dò hoặc điều trị bệnh tại trọng điểm trên cột sống.

Nhiệt độ da thay đổi thuận chiều, nghĩa là vùng đó có nhiệt độ da cao thì sẽ giảm xuống, quá thấp sẽ được ấm lên. Sự thay đổi này có thể nhận biết được qua cảm giác bàn Tay của thầy thuốc, hoặc dùng máy đo nhiệt độ da.

Nếu gặp trường hợp thao tác mà nhiệt độ da không thay đổi, thì có thể do một trong những nguyên nhân sau:

+ Thao tác chưa đúng thủ thuật.

+ Chưa tuân thủ đúng các nguyên tắc đã quy định.

+ Do cơ thể người bệnh vì một nguyên nhân nào đó không còn thích nghi được với tác động cột sống nữa: như cơ thể quá suy nhược hoặc nhiễm độc… Vì vậy khi thao tác trị bệnh, ta phải luôn luôn thăm dò nhiệt độ tại trọng khu, kiểm tra các thao tác trị bệnh.

Kết luận: Từ những đặc điểm trên, phương pháp TĐCS quy định khi tác động mà không điều hoà được nhiệt độ thì tuyệt đối không được thao tác tiếp.

Trong quá trình điều trị, nhiệt độ da của vùng quá cao hoặc quá thấp đều tiến triển theo chiều thuận ngày một tốt lên. Nhưng cũng có trường hợp chỉ thay đổi ngay khi thao tác, hoặc tác dụng chỉ kéo dài theo một vài tiếng đồng hồ sau đó. Trường hợp này có thể do:

Người bệnh chưa nhận được một liều lượng tác động thích hợp. Có thể thời gian còn quá ít, hoặc cũng có thể do thủ thuật thiếu chính xác, chưa đúng quy định của phương pháp.

Cũng có trường hợp nhiệt độ thay đổi thuận chiều, nhưng chưa trở lại bình thường, dừng lại ở trạng thái bệnh lý trong một thời gian dài. Trường hợp này phần lớn là do có điểm đối động ngoài phạm vi cột sống, có liên quan đến trọng điểm chưa được giải toả.

Phương pháp TĐCS Việt Nam căn cứ vào đặc điểm trên để đề ra phương thức theo dõi sự tiến triển của bệnh. Do đó cần phải căn cứ chủ yếu vào sự thay đổi của nhiệt độ da để đánh giá sự tiến triển của bệnh. Còn các triệu chứng cơ năng chỉ là phối hợp để đánh giá mà thôi.

B. CÁC THỦ THUẬT TRỊ BỆNH

Để giải toả các hình thái trọng điểm, phương pháp TĐCS có 6 thủ thuật sau:

  1. Thủ thuật Xoay. 2. Thủ thuật Đẩy.
  2. Thủ thuật Bật. 4. Thủ thuật Rung.
  3. Thủ thuật Bỉ. 6. Thủ thuật Lách.

I. THỦ THUẬT XOAY

Mục đích: Để giải toả trọng điểm tại các hình thái đốt sống lồi, lồi lệch và lệch có lớp cơ co dày, co mỏng, mềm dày, mềm mỏng bằng phương thức sóng.

Cách thức tiến hành:

Dùng phần mềm ở đầu ngón Tay cái, trỏ hoặc giữa đặt tĩnh tại trọng điểm để thao tác bằng một lực thích hợp và theo hướng như sau:

Xoay vòng tròn ở trên lớp cơ bệnh lý theo chiều kim đồng hồ với những trường hợp trọng điểm khu trú ở phần dưới đầu gai sống lệch phải và phần trên đầu gai sống lệch trái.

Xoay vòng tròn ở trên lớp cơ bệnh lý ngược với chiều kim đồng hồ với những trường hợp trọng điểm khu trú ở phần dưới đầu gai sống lệch trái với phần trên đầu gai sống lệch phải.

Xoay vòng tròn trên lớp cơ bệnh lý không quy định chiều xoay đối với những trường hợp trọng điểm khu trú ở đầu gai sống không phân biệt phần trên hay phần dưới và ở điểm đối động.

THỦ THUẬT XOAY HƯỚNG TÂM VÀO ĐẦU GAI SỐNG

Thao tác ở một diện hẹp đối với những trọng điểm ở thể hẹp.

Thao tác ở một diện rộng đối với những trọng điểm ở thể rộng hoặc lớn.

Thao tác dùng một lực nhẹ nhàng đối với những trọng điểm khu trú ở lớp cơ ngoài.

Thao tác dùng lực trung bình đối với những trọng điểm khu trú ở lớp cơ giữa.

Thao tác dùng lực nặng đối với những trọng điểm khu trú ở lớp cơ trong.

Thủ thuật:

Khi dùng thủ thuật xoay thao tác trị bệnh cần phối hợp thủ thuật đẩy với lực từ tối thiểu đến tối đa theo quy định của nguyên tắc định lực và phối hợp với thủ thuật lách khi trọng điểm đã thay đổi.

Giới hạn:

+ Thủ thuật xoay được áp dụng rộng rãi với tất cả các khu vực khác nhau ở trên hệ cột sống (theo quy định của nguyên tắc định lực) từ vùng cổ đến xương cụt.

+ Thủ thuật xoay không có giá trị đối với những trường hợp hình thái của trọng điểm di động như các loại xơ, và sợi hoặc loại không di động như các loại dính cứng…

Kết luận: Thủ thuật xoay là một thủ thuật chủ yếu để giải toả lớp cơ bệnh lý có hình thái co mềm không di động.

II. THỦ THUẬT ĐẨY

Mục đích: Để giải toả hình thái trọng điểm thuộc loại cơ co dày thể lớn khu trú ở trên các đốt sống lồi, lồi lệch, lệch hoặc bị dính cứng, tạo cho đốt sống bị dính cứng chuyển động được theo yêu cầu của thầy thuốc.

Cách thức tiến hành: Căn cứ vào 9 vùng quy định của nguyên tắc định lực, tuỳ theo vị trí khu trú của trọng điểm mà vận dụng lực của một ngón tay, hai ngón tay cái hoặc của dận bàn tay đặt tĩnh tại trọng điểm để thao tác nhịp nhàng với lực từ nhẹ đến nặng.

Dù cho đốt sống bị dính cứng nhiều cũng không được dùng quá lực quy định.

Tuỳ theo vị trí khu trú của trọng điểm mà chọn tư thế cho bệnh nhân: Nằm sấp, chống tay trên điểm tỳ để oằn lưng hoặc ngồi gục để thao tác.

Các tư thế này đều tạo cho gân cơ của người bệnh buông chùng thích hợp cho sự tiếp nhận lực thao tác.

Khi thao tác chú ý đẩy từ ngoài vào trong theo hướng trục.

Cách áp dụng gồm:

Đẩy một ngón Tay: Dùng một ngón Tay đặt tĩnh tại trọng điểm tác động từ ngoài vào trong theo hướng trục.

Đẩy hai ngón Tay: Dùng hai ngón đặt ngang hoặc đặt hai ngón chồng lên nhau thao tác theo hướng từ ngoài vào trong nhằm cho đốt sống lồi dính cứng chuyển động được.

Đẩy bằng bàn Tay: Dùng gan bàn Tay từ sau đẩy ra trước áp dụng cho bốn loại hình thái của trọng điểm liên lồi dính cứng, chuyển động bằng phương thức nén nâng.

Thủ thuật đẩy ứng dụng trong phương thức nén và phương thức sóng.

* Trong phương thức nén:

Nén tĩnh: Tư thế người bệnh nằm sấp trong trường hợp đốt sống lồi hoặc nằm nghiêng trong trường hợp đốt sống lệch.

Đốt sống lệch về phía nào thì người bệnh nằm nghiêng về phía đó lên trên để thầy thuốc thao tác đẩy từ trên xuống dưới theo hướng trục.

Thầy thuốc xoè rộng hai bàn Tay úp lên lưng người bệnh, dùng hai ngón cái đặt tĩnh tại trọng điểm, đẩy theo hướng từ ngoài vào trong cho đốt sống lồi, hoặc từ trên xuống dưới cho đốt sống lệch.

Khi thao tác phải dùng lực từ nhẹ đến nặng xen kẽ nhịp nhàng, không nén nặng liên tục.

Nén nâng: Dùng một bàn Tay để nén xuống kết hợp với bàn Tay kia thao tác nâng chân hoặc tay người bệnh trong cùng một lúc, áp dụng cho hình thức đốt sống liên lồi.

Nén kéo: Dùng một ngón Tay cho đốt sống lệch và cả bàn Tay cho hình thái đốt sống liên lệch, thao tác theo quy định trong tư thế nén kéo.

* Trong phương thức sóng:

Thủ thuật đẩy còn phối hợp với các thủ thuật thuộc phương thức sóng như thủ thuật xoay, bỉ, lách, rung để tạo cho trọng điểm có một cảm giác thích hợp nhất để có thể tự điều chỉnh, giải toả hình thái lớp cơ bị rối loạn.

Giới hạn:

Không được dùng thủ thuật đẩy cho vùng cổ (từ C1÷C7), vùng lưng trên (từ D1÷D7) và xương cụt, mà chỉ được phối hợp với thủ thuật xoay và bỉ với một lực thích hợp theo quy định.

Kết luận: Thủ thuật đẩy thuộc phương thức nén, thường phối hợp với các thủ thuật thuộc phương thức sóng để trị bệnh. Khi thao tác phải tuân thủ các nguyên tắc của phương pháp TĐCS.

III. THỦ THUẬT BẬT

Mục đích: Nhằm tạo cho con người bệnh có một cảm giác đau nẩy người và đột ngột đối với những trường hợp lớp cơ bệnh lý có hình thái sợi tròn hoặc sợi dẹt.

Tạo cho người bệnh có một cảm giác đau thích hợp đối với những trường hợp lớp cơ bệnh lý hình thái xơ tròn và xơ dẹt.

Cách thức tiến hành:

Dùng phần mềm đầu ngón Tay, ngón trỏ, ngón giữa, hoặc cũng có thể dùng nhiều ngón tay bật trượt nhanh, và mạnh ở trên sợi cơ bệnh lý bằng một lực thích hợp theo hướng cắt ngang.

Khi dùng thủ thuật bật trị bệnh cần phải phối hợp với thủ thuật đẩy theo các quy định của nguyên tắc định lực từ tối thiểu đến tối đa.

Giới hạn: Thủ thuật bật được áp dụng rộng rãi đối với các trọng điểm khu trú ở trên hệ cột sống từ vùng cổ cho đến xương cụt. Tuỳ theo vị trí khu trú của trọng điểm mà áp dụng quy định của nguyên tắc định lực cho thích hợp.

Thủ thuật bật chỉ có giá trị đối với những thể và loại xơ và sợi, không có giá trị đối với những hình thái không di động như: co cứng, co mềm.

Kết luận: Thủ thuật bật giữ vai trò chủ yếu về giải toả các loại xơ và sợi bệnh lý.

IV. THỦ THUẬT RUNG

Mục đích: Tạo cho người bệnh một cảm giác thoải mái, dễ chịu, để cơ thể người bệnh tự điều chỉnh, tự giải toả trọng điểm, phục hồi lại sự cân bằng cột sống để trị bệnh.

Thủ thuật rung để ứng dụng cho những trọng điểm có hình thái thuộc loại mềm, mềm dày, mềm mỏng, co dày, co mỏng.

Cách thức tiến hành:

Dùng phần mềm ở đầu ngón cái hoặc giữa đặt tĩnh tại trọng điểm, lắc qua lắc về cho ngón Tay có sự rung chuyển nhẹ nhàng tại đầu ngón trên trọng điểm.

Khi thao tác trị bệnh bằng thủ thuật rung bằng lực nhẹ hay lực mạnh cũng cần phải phối hợp với thủ thuật đẩy tức là vừa rung vừa đẩy.

Thủ thuật rung được phối hợp với thủ thuật lách khi trọng điểm đã thay đổi, mục đích để xác định trọng điểm mới.

Thủ thuật rung còn phối hợp với thủ thuật bỉ và thủ thuật đẩy trong khi thao tác giải toả trọng điểm ở lớp cơ trong.

Giới hạn:

Thủ thuật rung chỉ có giá trị để giải toả các hình thái trọng điểm loại mềm mỏng, mềm dày và cơ mỏng, co dày. Không có giá trị với những loại cứng và xơ, sợi.

Thủ thuật rung thích hợp những trường hợp suy nhược như: suy nhược thần kinh hoặc bị suy nhược cơ thể.

Kết luận: Thủ thuật rung là một thủ thuật tạo cho người bệnh có một cảm giác thoải mái, dễ chịu, êm ái và ngọt ngào, được cọi là thủ thuật bổ. Khi thao tác phải chọn tư thế thích hợp cho người bệnh và thầy thuốc.

V. THỦ THUẬT BỈ

Mục đích: Tạo cho người bệnh có một cảm giác đau thích hợp tại trọng điểm khu trú ở lớp cơ trong. Cảm giác đau thích hợp này có thể nhận biết được bằng các hiện tượng uốn cong và vặn vẹo cột sống của người bệnh.

Cách thức tiến hành:

Dùng phần mềm ở đầu ngón Tay giữa đặt tĩnh tại trọng điểm, ấn sâu vào lớp cơ trong sát với gai sống. Ấn cho lớp cơ bệnh lý miết vào gai sống và lăn ngửa ngón tay, vừa lăn vừa miết vòng tròn: Lúc đầu đưa lực từ ngoài vào trong theo hướng trục và tiếp theo đưa lực từ trong ra ngoài theo cách cuộn tròn ngón tay.

Kết luận: Thủ thuật bỉ chỉ áp dụng đối với trường hợp đốt sống lõm, lệch lõm và lớp cơ bệnh lý co, mềm, dày mỏng. Không áp dụng với trường hợp xơ, sợi.

VI. THỦ THUẬT LÁCH

Mục đích: Xác định và giải tỏa trọng điểm mới xuất hiện trong quá trình thao tác điều trị.

Cách thức tiến hành:

Thủ thuật lách không có hình thức riêng biệt mà khi thao tác trị bệnh bằng các thủ thật khác ứng dụng phương thức sóng, thầy thuốc chú ý lần đầu ngón Tay lách rộng ra các bờ cao của lớp cơ bệnh lý.

Ví dụ như trong khi ứng dụng thủ thuật: xoay, đẩy, bật, rung, bỉ của phương thức nén.

Khi thao tác trị bệnh với các thủ thuật thích hợp, có khi chỉ vài giây đồng hồ là hình thái trọng điểm đã thay đổi, bởi khả năng tự điều chỉnh của cơ thể đã giải toả trọng điểm, tức ổ rối loạn có thay đổi. Tại trọng điểm, người bệnh có thể cảm thấy đau nhiều, khi thao tác bớt đau và hết.

Nhưng trọng điểm bao giờ cũng khu trú ở một điểm rất nhỏ, khi điểm nhỏ này đã tan đi thì xung quanh hình thành một bờ cao, tại đó có điểm co cơ nhất và cảm giác đau nhất, điểm đau mới này được gọi là trọng điểm mới.

Kết luận: Thủ thuật lách giữ một vai trò quan trọng để thực hiện được các yêu cầu trên, vì qua thao tác này thầy thuốc nhận biết được sự thay đổi tức thời tại trọng điểm và xác định được trọng điểm mới để tiếp tục điều trị cho đến khi giải toả được ổ rối loạn.

C. CÁC PHƯƠNG THỨC TRỊ BỆNH

Phương thức là những phương pháp và cách thức để giải toả trọng điểm, lập lại sự cân bằng của cột sống. Các phương thức trị bệnh gồm có:

  1. Phương thức nén.
  2. Phương thức sóng.
  3. Phương thức đơn chỉnh-song chỉnh.
  4. Phương thức vi chỉnh.

I. PHƯƠNG THỨC NÉN

Mục đích: Làm cho các đốt sống bị dính cứng chuyển động được theo yêu cầu của người điều trị và phương thức này chỉ áp dụng đối với các đốt sống bị dính cứng.

Các phương thức tiến hành gồm:

  1. Phương thức nén kéo.
  2. Phương thức nén vít.
  3. Phương thức nén nâng.
  4. Phương thức nén tĩnh.

Mỗi phương thức nén nhằm giải quyết một yêu cầu riêng theo vị trí khu trú của trọng điểm tại các khu vực trên cột sống.

Phương thức nén không có giá trị triệt để trị bệnh. Vì phương thức nén mới chỉ giải toả được các hình thái của đốt sống bị dính cứng mà không có khả năng giải toả các hình thái của lớp cơ đệm. Do đó sau khi đã áp dụng phương thức nén lại phải áp dụng phương thức sóng thì mới giải toả được ổ rối loạn một cách triệt để thì khi đó bệnh mới khỏi hẳn.

II. PHƯƠNG THỨC SÓNG

Mục đích: Giải toả lớp cơ bệnh lý tại trọng điểm ở trên đầu gai sống, ở khe đốt và cạnh đốt sống bằng các thủ thuật thích hợp nhằm tạo cho trọng điểm có cảm giác đau với khoảng cách đều đặn tạo thành sóng cảm giác giúp cơ thể tự điều chỉnh, tự lập lại cân bằng.

Tuỳ theo hình thái của trọng điểm và vị trí của trọng điểm ở các vùng khác nhau mà áp dụng các tư thế và thủ thuật thích hợp.

III. PHƯƠNG THỨC ĐƠN CHỈNH VÀ SONG CHỈNH

Đơn chỉnh: Là tác động thủ thuật bằng một Tay để giải toả trọng điểm ở thể hẹp.

Song chỉnh: Là tác động hai Tay cùng một lúc giải toả đồng thời trọng điểm và điểm đối động liên quan tương ứng với trọng điểm khi trọng điểm ở thể rộng hoặc thể lớn.

Trong trường hợp có điểm đối động mà chỉ áp dụng phương thức đơn chỉnh thì kết quả điều trị sẽ rất hạn chế và có những biểu hiện như sau:

  1. Tác động lâu tại trọng điểm mà chưa giải toả được làm cho trọng điểm bị sưng, dày cộm.
  2. Các triệu chứng chủ quan của người bệnh có đỡ nhưng không khỏi hẳn, nếu ngừng chữa lại tái phát.
  3. Thời gian điều trị kéo dài, dây dưa.

IV. PHƯƠNG THỨC VI CHỈNH

Mục đích: Giải toả trọng điểm ở thể hẹp hoặc sau khi điều trị cho người bệnh, các triệu chứng cơ năng đã hết nhưng ổ rối loạn trên cột sống chưa hết (lớp cơ bệnh lý chưa hết) vì nếu không điều trị tiếp bằng vi chỉnh thì một thời gian sau bệnh dễ tái phát lại.

Khi thao tác ta nghiêng ngón Tay để tác động một phần đầu của ngón tại trọng điểm trên đầu gai sống.

Trên đầu gai sống có các vị trí: phía trên, ở giữa, phía dưới đầu gai. Trọng điểm có thể ở phía trên, ở giữa hay ở phía dưới đầu gai, có thể ở bên trái hay bên phải hoặc chính giữa đầu gai sống.

Do vậy khi áp dụng phương thức vi chỉnh cần lưu ý:

  1. Chỉ dùng lực tối thiểu của một ngón Tay, cong ngón Tay lên.
  2. Tác động theo hướng trục từ ngoài vào trong.
  3. Tốc độ mau tối đa như khi áp dụng thủ thuật rung.
  4. Cảm giác của người bệnh: đau như ngứa, dễ chịu.
  5. Điều nhiệt: Vẫn theo quy định chung.
  6. Thời gian áp dụng vi chỉnh: Vẫn theo quy định về ngưỡng tác động.

Tóm lại:

Phương thức vi chỉnh là một phương thức trị bệnh chỉ dùng một phần của đầu ngón tay tác động lên trọng điểm ở thể hẹp.

Phương thức vi chỉnh có tác dụng chữa dứt bệnh cho người bệnh.

Phương thức vi chỉnh có tác dụng tốt để phục hồi cột sống bị mất đường cong sinh lý hoặc khi các đốt sống bị so le phải áp dụng chuyển tư thế để xác định trọng điểm.

Ngoài những quy định chung khi áp dụng phương thức vi chỉnh còn có những điểm cần phải chú ý như đã nêu ở trên.

BẢNG TỔNG HỢP CÁC NGUYÊN TÁC,

 THỦ THUẬT, PHƯƠNG THỨC CHẨN VÀ TRỊ BỆNH.

  1. Nguyên tắc chẩn và trị bệnh

Nguyên tắc chẩn bệnh

Nguyên tắc trị bệnh

1. Đối xứng 1. Tạo sóng cảm giác
2. Hưng phấn, ức chế 2. Định lực
3. Định khu, định điểm 3. Định hướng
4. Thăm dò tiên lượng 4. Định lượng
  5. Điểu nhiệt
  1. Thủ thuật chẩn và trị bệnh

Thủ thuật chẩn bệnh

Thủ thuật trị bệnh

1. Áp 1. Xoay
2. Vuốt 2. Đẩy
3. Ấn 3. Bật
4. Vê 4. Rung
5. Miết 5. Bỉ
 

6. Lách

 

  1. Phương thức chẩn và trị bệnh

Phương thức chẩn bệnh

Phương thức trị bệnh

1. Động hình 1. Nén
2. Đối động 2. Sóng
3. Co cơ tương ứng 3. Đơn chỉnh-song chỉnh
4. Chuyển tư thế 4. Vi chỉnh
5. Đối nhiệt

 

 

P/s: Xem tiếp PHẦN VI – BÊNH ĐAU ĐẦU tại đây.

Bài viết liên quan

Giáo trình Tác động cột sống Việt Nam – Tóm tắt phương pháp Tác động cột sống

TÓM TẮT HỆ THỐNG PHƯƠNG PHÁP TÁC ĐỘNG CỘT SỐNG Tác động cột sống là...

Giáo trình Tác động cột sống Việt Nam – Phần VI – Các bệnh khác

CÁC BỆNH KHÁC Các bệnh khác là các bệnh không được xếp vào 9 hệ...

Giáo trình Tác động cột sống Việt Nam – Phần VI – Bệnh tiêu hóa

BỆNH TIÊU HÓA Hệ tiêu hóa ở người bao gồm đường tiêu hóa cộng với cơ quan...

Giáo trình Tác động cột sống Việt Nam – Phần VI – Bệnh về Hệ tiết niệu

BỆNH VỀ HỆ TIẾT NIỆU I. Giải phẫu sinh lý liên quan đến bệnh tiết...

Giáo trình Tác động cột sống Việt Nam – Phần VI – Bệnh về hệ sinh dục

BỆNH VỀ HỆ SINH DỤC I. SINH DỤC NAM I.1. Giải phẫu sinh lý hệ thống...

Trả lời